Đến nay, trong số 96 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh Nam Định mới có 25 xã, thị trấn phát triển được 41 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, huyện Hải Hậu có 12 xã, thị trấn với 18 làng nghề; huyện Ý Yên có 3 xã với 14 làng nghề; huyện Nam Trực có 3 xã với 4 làng nghề; huyện Xuân Trường có 2 xã với 4 làng nghề; huyện Trực Ninh có 2 xã với 4 làng nghề; huyện Nghĩa Hưng có duy nhất xã Nghĩa Lợi có làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói. Các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Giao Thủy và Thành phố Nam Định với tổng số 14 xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng NTM nhưng chưa địa phương nào phát triển được làng nghề đạt các tiêu chí NTM.
Các làng nghề truyền thống ở những xã xây dựng NTM duy trì và phát triển tương đối ổn định như các làng nghề: cơ khí Xuân Kiên, chiếu cói Xuân Dục (Xuân Trường); mộc mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên); mộc gia dụng Phạm Rỵ, dệt chiếu Phương Đức (Hải Hậu)... Nhiều xã xây dựng NTM đã nhân cấy và phát triển thành công các nghề mới như: nghề chạm khắc gỗ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng; làng chạm trổ, điêu khắc gỗ Tân Ninh, Thị trấn Lâm (Ý Yên); mộc mỹ nghệ làng Tam Tùng Đông, xã Hải Đường (Hải Hậu)... Bên cạnh đó, nhiều làng nghề truyền thống sau nhiều năm trầm lắng, mai một đã được các xã phục hồi và phát triển như: nghề thêu ren truyền thống ở các thôn Nhuộng, Thông, Hoàng Giang, Tiêu Bảng, Văn Minh, Văn Mỹ và nghề làm nón của thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung (Ý Yên); làng nghề thêu ren truyền thống Phú Nhai, nghề điêu khắc và chế biến lâm sản ở các thôn Trà Đông, Trà Đoài của xã Xuân Phương (Xuân Trường); nghề dệt khăn truyền thống ở thôn Trung Thắng, xã Nam Thanh (Nam Trực)...
Sản phẩm hàng hoá của các làng nghề đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đồng thời tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ cùng phát triển, góp phần làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động ở làng nghề luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2-3 lần. Làng nghề đan cói xuất khẩu Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho 55 hộ tham gia sản xuất, mỗi hộ có từ 1-2 lao động. Theo thống kê của xã, trong làng nghề có 4 hộ đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm là hộ các bà: Nguyễn Thị Liên, Vũ Thị Yến, Nguyễn Thị Thế, Hoàng Thị Vân; 6 hộ có mức thu nhập từ 40-45 triệu đồng/năm; 19 hộ có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm; một số hộ tận dụng lao động và thời gian nông nhàn cũng có thu nhập từ nghề 20 triệu đồng/năm. Làng nghề dệt chiếu Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có gần 900 hộ tham gia làm nghề với trên 400 dàn dệt chiếu. Mỗi ngày, các hộ dân trong làng nghề tiêu thụ từ 3-4 tấn cói nguyên liệu để sản xuất ra gần 2.000 lá chiếu các loại. Làng nghề dệt chiếu Xuân Dục đã thu hút gần 1.000 lao động tham gia với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Mặc dù mới được khôi phục và phát triển nhưng 8 làng nghề thêu ren truyền thống và làng nghề làm nón của xã Yên Trung (Ý Yên) đã thu hút trên 1.500 lao động tham gia. Nhờ đó, năm 2013, doanh thu từ sản xuất CN-TTCN, làng nghề của xã Yên Trung ước đạt 15 tỷ đồng, chiếm 20% tổng thu nhập toàn xã.
Tuy đã có những bước phát triển khả quan nhưng nhiều làng nghề ở các xã xây dựng NTM vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: giá trị hàng hoá thấp, sức cạnh tranh chưa cao do hầu hết các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; năng lực quản lý, công nghệ, thiết bị lạc hậu nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề của lao động, trình độ quản lý của các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề còn thấp, chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu phát triển đi lên từ “cha truyền con nối”, chưa có nhiều cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành sản xuất. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề sản xuất kim khí, sơn mài, chắp nứa… ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững kinh tế và đời sống cộng đồng. Các hộ, HTX và doanh nghiệp trong làng nghề còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn. Ý thức tuân thủ các quy tắc về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy, nổ của nhiều chủ cơ sở và người lao động còn thấp. Chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá về làng nghề, ngành nghề nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự liên kết bền vững giữa các cơ sở, các làng nghề.
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển CN-TTCN, làng nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã có Thông báo số 80/TB-UBND ngày 13-5-2013 giao Sở NN và PTNT lập Quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp như: thực hiện ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo quy định về vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, có cơ chế giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách để phát triển một số sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách miễn, giảm thuế 3-5 năm đầu trong các trường hợp thành lập cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phát triển sản xuất kết hợp với du lịch làng nghề; từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. Đưa ra giải pháp để các cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận thị trường quốc tế để xuất khẩu các sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho các làng nghề. Thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh để dễ dàng quảng bá các sản phẩm tới người dân trong và ngoài nước. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn để kết nối từ làng nghề tới các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch của địa phương phát triển.